Xoa bóp bấm huyệt trị liệt mặt do lạnh

Hầu hết nguyên nhân của bệnh liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số 7 đều do lạnh. Đông y gọi là bệnh “khẩu nhãn oa tà” có nghĩa là miệng mắt méo lệch.

Thông thường bệnh xảy ra đột ngột, soi gương thấy khuôn mặt bị biến dạng lệch về một bên.

Để phát hiện bên bị liệt ta chỉ cần chú ý bên mặt bị lệch là bên không bị liệt do các cơ không bị liệt kéo mạnh hơn. Rãnh nhân trung cũng bị kéo mạnh về bên lành. Bệnh nhân bị liệt mặt khi nhắm mắt, mắt bên liệt thường không nhắm kín được. Khi cười nụ cười bị kéo xếch về bên lành.

Rãnh mũi mép lằn sâu ở phía bên lành. Mắt bên lành nhỏ hơn so với mắt bên liệt. Khi nhăn trán các vết nhăn ở trán bên lành hằn sâu hơn so với bên liệt. Rãnh nhân trung nhìn kỹ thấy rõ lệch về bên lành.

Cần xác định rõ bên liệt để có thể bấm huyệt hoặc dán cao thuốc vào các huyệt bên liệt.

Khi bị bệnh, cần được điều trị kịp thời, đúng cách, nếu không bệnh có thể để lại di chứng liệt cứng, điều trị rất khó khăn ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ người bệnh.

Đông y bao gồm nhiều phương pháp điều trị liệt mặt do lạnh như châm cứu, bấm huyệt, đắp thuốc. Liệt mặt trong 3 tháng đầu có thể điều trị tốt bằng châm cứu, điện châm, thủy châm, cấy chỉ tự tiêu được coi là phương pháp điều trị tích cực.

Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số phương pháp đơn giản, nhằm giúp các bạn có thể kết hợp với thầy thuốc trong quá trình điều trị.

Xoa bóp

Dùng đầu ngón tay cái miết dọc hai bên sống mũi, từ khóe trong mắt lên đầu lông mày, miết cả 2 bên. Mỗi bên miết khoảng 10 lần.

Miết từ huyệt ấn đường dọc theo lông mày ra thái dương khoảng 10 lần.

Day quanh mắt khoảng 5-10 lần.

Tiếp đó miết từ huyệt nghinh hương đến địa thương khoảng 10 lần.

Day quanh môi khoảng 5-10 lần.

Xoa xát cả 2 bên má, mỗi bên 10 lần.

Mỗi ngày xoa bóp, bấm huyệt khoảng 20 phút cho đến khi khỏi bệnh.

This image has an empty alt attribute; its file name is 3-2.jpg

Bấm huyệt: Chọn một số huyệt thuộc vùng mặt:

Giáp xa: Huyệt ở trước góc hàm dưới khoảng chiều ngang 1 ngón tay, đè vào chỗ trũng có cảm giác ê tức.

Tứ bạch: Dùng lòng ngón tay sờ lên vùng phía dưới con mắt, sẽ phát hiện ra chỗ lõm trên xương hốc mắt ở ngay dưới mí mắt, huyệt tứ bạch nằm thẳng phía dưới chỗ lõm ấy chừng một đốt ngón tay. Dùng đầu ngón tay di chuyển qua lại hai bên vị trí huyệt đạo ấy thì sẽ cảm thấy mũi bị kích thích.

Nghinh hương nằm bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng nửa thốn (tương đương 0,8cm).

Địa thương: Là điểm gặp nhau của rãnh mũi mép và đường ngang qua 2 mép. Ở khóe miệng ngang ra khoảng 0,8cm

Hợp cốc: Nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ. Khi mở rộng 2 ngón tay cái và ngón trỏ ra, bàn tay xòe rộng như miệng hổ, nên còn được gọi là hổ khẩu. Giơ bàn tay lên, sờ vào vùng lõm của điểm giao kết giữa ngón trỏ và ngón cái, phần lõm sâu sát với xương nối chính là huyệt hợp cốc.

Ấn đường: Nằm tại vị trí ở giao điểm đường thẳng nối hai đầu cung lông mày với đường chính trung đi qua sống mũi.

Ngư yêu: Huyệt nằm chính giữa cung lông mày.

Thái dương: Nó nằm giữa khoảng cách phía ngoài đuôi lông mày và phía ngoài đuôi mắt. Có thể dùng đầu ngón tay vuốt từ góc mí tóc ở trán đến đuôi mắt sẽ gặp một chỗ lõm đó là cơ sở để xác định huyệt thái dương.

Ế phong: Phía sau tai, nơi chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm, sau mỏm nhọn cao nhất của tai, sát bờ trước cơ ức đòn chũm.

Phong trì: Ở chỗ hõm sau gáy của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ, chỗ lõm nhất chính là huyệt.

Cách bấm huyệt: Dùng đầu ngón tay cái đối diện bên liệt tự day bấm các huyệt trên. Có thể chỉ cần day bấm bên liệt mà không nhất thiết day bấm bên lành. Huyệt hợp cốc chỉ cần bấm bên lành chứ không cần bấm bên liệt, mỗi huyệt nên xoa bấm từ 1-3 phút.

Dán thuốc: Dùng các loại cao dán đã được bào chế sẵn để dán vào các huyệt nói trên.

Bạn có thể áp dụng phối hợp tất cả các biện pháp đơn giản trên để chữa liệt mặt cho chính mình hoặc người thân. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên xem đây là biện pháp phối kết hợp. Bạn nên đi khám và điều trị theo chỉ định của thầy thuốc.

Nguồn: Soha

Để lại một bình luận