Cột sống bao gồm nhiều đốt xương nối liền nhau tạo nên theo chiều uốn cong nhẹ với điểm đầu là xương chẩm và điểm cuối là xương cụt. Cột sống đóng vai trò vô cùng quan trọng không thể thiếu trong cơ thể. Trong hệ xương, cột sống quyết định sự sống và sự vận động của con người cũng như của tất cả những loài động vật có xương sống khác.
1. Đặc điểm đốt sống cổ
Cột sống cổ được cấu tạo bởi 7 đốt sống đầu tiên ghép lại với nhau, uốn hình chữ C. Điểm bắt đầu của đốt sống đầu tiên ngay dưới xương sọ.
Cột sống cổ bao gồm 2 phần:
- Cột sống cổ cao bao gồm 2 đốt sống cổ đầu tiên, đốt số 1 gọi là đốt đội, đốt số 2 gọi là đốt trục. Cấu tạo của chúng có sự khác biệt so với những đốt sống còn lại và chúng có nhiều trục xoay.
- Cột sống cổ thấp gồm 5 đốt sống còn lại với thân đốt sống phía trước và cung đốt sống ở phía sau.
2. Đặc điểm đốt sống cổ
2.1 Đặc điểm chung
Thân dẹt, bề ngang phía trước dày hơn phía sau. Cuống tách ra từ phần sau của mặt bên thân đốt sống và khuyết sống trên-dưới đều sâu bằng nhau. Mảnh hình vuông, chiều rộng hơn chiều cao. Đỉnh của mỏm gai tách làm hai củ. Mỏm ngang dính vào thân và cuống bởi 2 rễ giới hạn nên một lỗ gọi là lỗ ngang để cho mạch đốt sống chui ngang qua.
Đỉnh của mỏm ngang tách làm 2 củ: củ trước đốt sống cổ và củ sau đốt sống cổ. Mặt trên của mỏm ngang có rãnh thần kinh gai sống. Mõm khớp có diện khớp phẳng nằm ngang. Diện trên nhìn lên trên và ra sau. Diện dưới nhìn xuống dưới và ra trước. Lỗ đốt sống cổ hình tam giác, rộng hơn ở các lỗ đốt sống ngực và thắt lưng để chứa đoạn phình cổ của tủy gai và thích ứng với biên độ di động lớn của đoạn sống cổ. Tóm lại, đặc trưng quan trọng nhất để xác định một đốt sống cổ đó là có lỗ ngang.
2.2 Đặc điểm riêng
Đốt sống cổ 1 (còn được gọi là đốt sống đội)
Đốt này có đặc điểm là không có thân sống nên có hình như một cái vòng với hai khối bên có hố khớp trên để khớp với đốt sống cổ 2. hai khối bên được nối nhau ở phía trước bởi cung trước và ở phía sau bởi cung sau. Phía trước cung lồi ra ở thành củ trước và phía sau lõm thành hố răng để khớp với răng của đốt cổ 2. Ở phía sau lồi ra thành củ sau và phía trên sát với khối bên có rãnh động mạch đốt sống.
Đốt sống cổ 2 (còn được gọi là đốt sống trục)
Đây là đốt sống dày và khỏe nhất trong các đốt sống cổ. Đặc điểm của đốt này là có một mỏm mọc lên trên thân đốt sống gọi là “ răng”. Mỏm răng hình tháp cao 1,5cm được coi như thân của đốt đội dính vào đốt trục để làm trục cho đốt đội quay. Ở phía trước răng có diện khớp trước để khớp với hố răng của đốt đội và có một diện khớp sau để khớp với dây chằng ngang của đốt đội.
Đốt sống cổ 4
Đốt sống này có đặc điểm là mỏm ngang lồi to ra thành củ cảnh. Củ này nếu to quá có thể chèn vào động mạch cảnh chung. Nó cũng là mốc gặp gỡ của động mạch cảnh chung với động mạch giáp dưới và động mạch đốt sống.
Đốt sống cổ 7
Đốt này có đặc điểm là mỏm gai không chẻ đôi và dài hẳn ra, sờ vào có thể nhận biết được dưới da nên còn được gọi là đốt sống lồi. Lỗ ngang rất nhỏ, có khi không có. Đốt sống cổ 7 nằm ở ranh giới giữa đoạn sống cổ và đoạn sống ngực nên có nhiều đặc điểm chuyển tiếp giữa đốt sống cổ và đốt sống ngực.
3. Chức năng của đốt sống cổ
Đốt sống cổ có phạm vi vận động rất lớn. Đoạn cổ trên (C1-C3) trước hết đáp ứng cho chuyển động xoay, thường ít gặp thoái hóa ở đoạn này. Giữa đốt C1 và C2 không có đĩa đệm, vì vậy bệnh lý đĩa đệm ở đây cũng ít xảy ra. Các bệnh lý ở đoạn cổ trên chủ yếu là do chấn thương, hẹp ống sống bẩm sinh hoặc dị dạng Chiari.
Những tương quan giải phẫu này giải thích các dấu hiệu lâm sàng khi thoái hóa cột sống cổ, tùy theo vị trí của khớp bị thoái hóa sẽ chèn ép vào tủy cổ, vào động mạch sống, các nhánh giao cảm và các rễ thần kinh từ C5 đến C7.
Theo Vinmec