Tìm hiểu hiện tượng cứng cổ không quay được đầu

1. Hiện tượng đau cứng cổ

Đau cứng cổ hay đau cổ là tình trạng sức khỏe phổ biến mà hầu như mọi người đều mắc một lần trong cuộc sống. Có rất nhiều lý do như chấn thương trong thể thao, các hoạt động thể chất, yêu cầu liên quan đến công việc, dẫn đến cơ cổ căng thẳng. Một số tình trạng sức khỏe cũng là nguyên nhân phổ biến của đau cổ. Đau cứng cổ hiếm khi là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây nên tình trạng đau cứng cổ không quay đầu được bao gồm:

2.1 Do căng cơ

Bất cứ hoạt động nào khiến cho cổ luôn trong tư thế không thoải mái trong thời gian dài có thể khiến cơ ở vùng cổ bị mỏi và co thắt. Ví dụ như: nghiêng đầu để giữ điện thoại khi nghe điện thoại, ngủ sai tư thế, ngủ kê gối quá cao hoặc không kê gối, mang vác vật nặng một bên vai hoặc cúi nhìn màn hình vi tính quá lâu, do tính chất nghề nghiệp như: lái xe, sơn trần.

Một nguyên nhân cũng trở nên khá phổ biến gần đây, đặc biệt là giới trẻ là việc dành quá nhiều thời gian nhìn xuống màn hình điện thoại.

2.2 Do các bệnh lý cột sống cổ

Cột sống cổ là bộ khung bao gồm rất nhiều các thành phần cấu thành như: Xương đốt sống, các khớp, các rễ thần kinh và hệ thống cơ. Tủy sống cũng chạy dọc trong các đốt sống cổ. Theo thời gian, khi một hoặc vài bộ phận của cột sống cổ bị thoái hóa hoặc bị tổn thương, sẽ gây nên triệu chứng cứng cổ kèm theo đau và xuất hiện các vấn đề thần kinh khác. Những bệnh lý thường gặp ở đốt sống cổ bao gồm:

  • Hẹp ống sống cổ

Hẹp ống sống cổ có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải các bệnh lý: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống, thoái hóa đĩa đệm, gai đôi đốt sống, chấn thương cột sống hoặc có khối u trong cột sống, viêm khớp cột sống khiến cho diện khớp ở giữa các đốt sống cổ có thể phình ra và chèn ép vào các rễ thần kinh, thậm chí là chèn ép cả vào tủy sống. Các triệu chứng bệnh lý của hẹp ống sống cổ bao gồm: Đau mỏi vùng vai gáy (hội chứng vai gáy), cứng cổ, đau hoặc tê bì dọc cánh tay rồi đến bàn ngón tay, thậm chí là yếu cả tứ chi, gặp khó khăn trong đi lại, bàn tay dần dần mất cảm giác và các động tác tinh tế nếu tủy sống bị chèn ép.

  • Các bệnh lý đĩa đệm

Tương tự, một hay một vài đĩa đệm đốt sống có thể thoái hóa hoặc theo thời gian bị thoát vị, từ đó kích thích đến các rễ thần kinh gây ra triệu chứng cứng cổ, thậm chí là đau lan ra vai, rồi xuống cánh tay và bàn tay.

Khi gặp phải bất cứ tình trạng nào nêu trên đều cần được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ có đầy đủ chuyên môn về cột sống. Kể cả khi các triệu chứng chỉ ở mức độ nhẹ, vẫn không nên được chủ quan, cần điều trị vì có biện pháp điều trị sớm, đúng cách có thể ngăn ngừa được các bệnh lý ở cột sống, nếu không sẽ trở nên trầm trọng theo thời gian.

Đau cứng cổ do nhiễm trùng (ví dụ như: trong bệnh não mô cầu, viêm màng não..) hiếm gặp hơn so với các trường hợp khác kể trên. Tuy nhiên đây lại là bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng. Nếu bị sốt, đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng hay tiếng động, hay bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào khác mà có triệu chứng đi kèm với cứng cổ, hãy đến khám bác sĩ để được thăm khám và thực hiện các thăm dò cận lâm sàng, sớm tìm ra nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp điều trị kịp thời.

Một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm màng não, bệnh cúm hoặc căng thẳng có thể gây ra đau cổ.

3. Các triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng phổ biến của đau cứng cổ bao gồm:

  • Cơn đau thường trở nên xấu đi khi giữ nguyên tư thế đầu trong một khoảng thời gian dài, ví dụ như: Khi lái xe hoặc làm việc trước màn hình máy tính
  • Cơ bắp căng và co thắt
  • Hạn chế khả năng di chuyển đầu, có thể dẫn tới không quay đầu được
  • Đau đầu

Có thể có một số triệu chứng không được liệt kê ở trên do tính phổ biến của nó, khi thấy có dấu hiệu như cơn đau trầm trọng hơn hoặc đau dai dẳng trong nhiều ngày mà không đỡ, đau lan xuống cánh tay hoặc chân, kèm với đó là nhức đầu, yếu, tê bì như kim châm, giảm hoặc mất cảm giác hay có những dấu hiệu bất thường khác cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời…

4. Đối tượng nguy cơ

Tình trạng đau cứng cổ xảy ra rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như:

  • Tuổi tác: Cũng giống như các khớp khác trong cơ thể, khớp vùng cột sống cổ cũng có xu hướng thoái hóa đi cùng với độ tuổi.
  • Những thói quen xấu: Như làm việc tại bàn làm việc quá lâu mà không đứng dậy thay đổi vị trí hoặc ngủ ở tư thế không đúng. Dẫn đến ngủ dậy bị đau cổ không quay được
  • Chấn thương đột ngột: Tai nạn xe hơi, hoặc chấn thương do chơi thể thao.

5. Điều trị

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách thu thập những thông tin từ việc hỏi tiền sử bệnh và thực hiện khám. Để kiểm tra rõ ràng, và chính xác cần làm thêm những xét nghiệm khác như:

  • X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Chẩn đoán bằng hình ảnh là cách tốt nhất để tìm ra nguyên nhân gây đau. Trong một số trường hợp, bác sĩ nghi ngờ bệnh đau cứng cổ có thể liên quan đến dây thần kinh bị chèn ép, khi đó bác sĩ có thể đề nghị đo điện cơ.
  • Xét nghiệm máu đôi khi cũng cung cấp những bằng chứng của tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng có thể gây nên hoặc góp phần gây ra chứng đau cứng cổ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng đau cứng cổ

Hầu hết các bệnh nhân có đau cổ mức độ từ nhẹ cho tới trung bình đều đáp ứng tốt với biện pháp tự chăm sóc cá nhân trong vòng hai hoặc ba tuần. Nếu vẫn còn đau cổ, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị y tế khác như tiêm Steroid, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ hay sử dụng vật lý trị liệu, kích thích thần kinh điện xuyên qua da, liệu pháp kéo xen kẽ với căng cứng bất động tạm thời cột sống cổ bằng nẹp cổ mềm hỗ trợ và thậm chí có thể phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt hợp lý có thể kiểm soát và phòng ngừa chứng đau cứng cổ như:

  • Chườm: Chườm nóng và lạnh xen kẽ. Chườm lạnh đá (túi gel lạnh hoặc đá bọc trong khăn) trong vài ngày đầu tiên. Sau đó, hoặc có thể xen kẽ chườm nhiệt nóng với một miếng đệm nóng ở mức vừa phải, nén nóng, hoặc bằng cách tắm nước nóng ấm;
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen;
  • Tập thể dục tại nhà: có thể bắt đầu tập kéo giãn nhẹ nhàng khi cơn đau giảm bớt và duy trì tập thể dục cổ hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh;
  • Thay đổi vị trí thường xuyên khi làm việc lâu một chỗ.

Nếu thấy có hiện tượng đau cứng cổ không quay đầu được nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh, tìm ra nguyên nhân để có phương pháp điều trị kịp thời.

Để lại một bình luận