Một nghiên cứu thú vị của Nhật Bản cho thấy một đoạn protein xâm nhập vào não sau khi ăn đậu nành có thể làm giảm quá trình suy giảm trí nhớ ở chuột.
Trong thử nghiệm động vật của mình, các nhà khoa học từ Đại học Kyushu (Nhật Bản) đã tiêm hóa chất vào các con chuột để chúng bị một dạng suy giảm trí nhớ mô phỏng bệnh Alzheimer ở người – một trong các căn bệnh nan y đang gia tăng chóng mặt trời thời gian gần đây.
Kết quả cho thấy khi tiêu thụ chiết xuất đậu nành, dạ dày phá vỡ các protein và khiến một đoạn protein – cụ thể hơn là một dipeptide – có khả năng ảnh hưởng đến bộ nhớ, có thể từ dạ dày di chuyển thẳng lên não.
Vượt một hàng rào có tính chọn lọc cao để đi từ máu vào não, protein này có thể xâm nhập não bộ và đẩy lùi quá trình suy giảm trí nhớ, theo phân tích của giáo sư Toshiro Matsui, tác giả chính của nghiên cứu.
Sự cải thiệt về trí não ở các con chuột đã thể hiện rõ ràng trong thí nghiệm này, theo bài công bố mới trên tạp chí khoa học npj Science of Food.
Giáo sư Matsui cho biết ông và các cộng sự đang tiến tới các thí nghiệm và bước nghiên cứu cao hơn để xem xét tác động của quá trình này trực tiếp trên con người. Nếu tiếp tục thành công, đây sẽ là tin vui lớn bởi đậu nành có thể được bổ sung tự nhiên khi ăn uống. Đây là loại thực phẩm có khả năng chế biến đa dạng: làm sữa đậu nành, đậu phụ, đậu hũ, tương, chao…
Alzheimer là bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh mất trí nhớ. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mất trí nhớ là nguyên nhân gây tử vong sớm thứ 5 toàn cầu và đang ngày một gia tăng. Một số quốc gia như Anh, Mỹ, Úc… còn xếp nó lên hàng thứ nhất, thứ nhì. Đến nay, đó vẫn là một nhóm bệnh không thuốc chữa.
NGUỒN: EUREKALERT