Bên cạnh đó, Viện Dinh dưỡng cũng đưa ra các hướng dẫn về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm để tăng sức đề kháng cho cơ thể, góp phần phòng chống dịch bệnh, như sau:
1. Giữ an toàn vệ sinh thực phẩm
– Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.
– Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.
– Khi chế biến thực phẩm nên sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến đối với thịt, trứng gia cầm; sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.
– Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như vi rút, vi khuẩn…).
– Đảm bảo vệ sinh ăn uống: luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm.
2. Đảm bảo dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
– Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể vì đây là nguyên liệu quan trọng tạo ra kháng thể.
– Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết (vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm selen) để tăng đề kháng cho cơ thể.
Vitamin A và Beta caroten: giúp duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của vi rút gây bệnh. Có thể tăng cường vitamin này qua lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, đu đủ và các loại quả có màu vàng, đỏ.
Vitamin C: giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sản xuất interferon. Dưỡng chất này giúp ức chế sự tổng hợp của vi rút mới, chống vi rút xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, bông cải trắng, củ cải, ớt chuông…
Vitamin E: làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong cơ thể, vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ màng tế bào khỏi bị ô xy hóa. Có thể bổ sung vitamin E qua các loại dầu thực vật như: dầu đậu nành, hướng dương, ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Vitamin D: là loại vitamin tan trong chất béo có tác động đến chức năng của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh trong cơ thể. Vitamin D có thể được tổng hợp qua da nên mỗi ngày cần tiếp xúc ánh sáng mặt trời từ 15 – 30 phút; bổ sung các thực phẩm: lòng đỏ trứng, sữa.
Selen: đây là loại khoáng vi lượng có tác dụng chống ô xy hóa mạnh, tăng khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Các thực phẩm chứa selen là gạo lứt, lúa mạch, rong biển…
Sắt và kẽm: giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ miễn dịch. Hạt bí đỏ, hạt điều, rau muống… chứa các nguyên tố vi lượng này.
Ngoài ra, tăng cường tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… cũng giúp kích thích hệ thống miễn dịch; và bổ sung thêm các thực phẩm giàu dưỡng chất flavonoid như: rau thơm các loại, bông cải xanh, cải xanh, táo, trà xanh…
Cũng có thể bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng hoặc các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sắt, kẽm, vitamin A, D, E… nếu chế độ ăn không đảm bảo chất dinh dưỡng nói trên hoặc khi cơ thể cần được bổ sung.
3. Uống nước đúng cách để phòng Covid-19
Hàng ngày, cơ thể chúng ta cần khoảng 2 – 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Thông thường, 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại từ thực phẩm khác. Nhu cầu nước phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực của mỗi người.
Lưu ý không để miệng và cổ họng khô. Nên uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát.
Không uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần; không uống nước nhiều trước khi đi ngủ; không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Cần hạn chế các thức uống chứa cồn; trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu nên làm tăng sự mất nước qua thận.
Theo GIACNGO.VN