1. Chứng bệnh đau vai gáy cổ là gì?
Chứng đau vai cổ là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo hạn chế vận động quay cổ, quay đầu. Bệnh đặc trưng bởi đau cổ vai gáy sau khi ngủ dậy. Thực chất đây là nhóm các bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, song tất cả đều dẫn tới một hội chứng cuối cùng đó là bệnh nhân bị đau cơ ở vùng vai gáy và hạn chế vận động quay đầu, quay cổ. Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện một cách đột ngột, có nhiều bệnh nhân bỗng dưng sau một đêm ngủ dậy thấy xuất hiện đau vùng cổ, vai, gáy. Do đó biểu hiện đầu tiên mà bệnh nhân nhận thấy đó là hiện tượng đau cơ vùng cổ gáy, vai và có thể cả phần lưng trên.
Ban đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau nhẹ, đau mỏi vùng vai gáy và hạn chế vận động vùng cổ gáy, vùng đầu như không quay đầu thoải mái được, chỉ nghiêng sang trái hoặc phải mà không quay lại phía sau được. Tình trạng này có thể xuất hiện một cách tự phát hoặc xuất hiện sau khi các bạn lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng hoặc bị nhiễm lạnh.
2. Triệu chứng đau cổ vai gáy
Triệu chứng đau cổ đau vai gáy thường có tính chất cơ học đó là:
- Đau tăng lên khi đứng, khi đi lại, khi ngồi lâu, khi vận động cột sống cổ, khi ho, hắt hơi. Triệu chứng đau cũng có thể tăng lên khi thay đổi thời tiết.
- Đau giảm khi nghỉ ngơi.
Có khi triệu chứng đau lan xuống cả bả vai, làm cho cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi rất khó chịu, thậm chí chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì, đây là biểu hiện tăng cảm giác. Tình trạng tăng cảm giác khiến cho chỉ cần một động tác sờ nhẹ ngoài da vùng gáy hoặc chỉ cần ấn lướt rất nhẹ ngoài da vùng cánh tay, cẳng tay, mu bàn tay cũng có thể tạo ra cảm giác đau rõ rệt. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng rối loạn phản xạ gân xương. Thậm chí khi bị đau quá mức, bệnh nhân chỉ cần đi lại nhẹ nhàng cũng đủ gây ảnh hưởng và gây đau vùng cổ, vai, gáy. Nếu không được điều trị sớm, đến khi bệnh nặng hơn thì mọi sinh hoạt, vận động liên quan đến vùng cổ, vai, gáy dù nhẹ cũng đều gây đau đớn và làm hạn chế mọi sinh hoạt của bệnh nhân.
Tình trạng này thậm chí gây ảnh hưởng đến cả việc ăn uống và giấc ngủ của người bệnh. Khi ngủ, nếu bệnh nhân nằm nghiêng về bên bị bệnh thì lực của cơ thể đè lên sẽ làm đau tăng thêm. Còn nếu bệnh nhân nằm nghiêng về phía bên lành, thì phía bên bị bệnh sẽ bị kéo lại cũng gây đau.
3. Những lưu ý để ngủ dậy không bị đau vai gáy
Bên cạnh mối quan tâm với các cách chữa đau vai gáy sau khi ngủ dậy, bạn cần lưu ý những điều dưới đây để phòng tránh tình trạng này.
- Ngồi đúng tư thế bằng cách giữ cổ thẳng, không được cúi gập quá lâu. Khi nằm không nên kê gối quá cao. Gối chỉ nên cao khoảng 10cm;
- Không bẻ khớp cổ hoặc vai. Bởi điều này có thể gây tình trạng thoái hóa khớp và tạo điều kiện cho đĩa đệm bị lệch;
- Luyện tập thể dục vừa sức hằng ngày. Trước khi tập cần khởi động kỹ để làm nóng cơ và hạn chế chấn thương.