Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy hội chứng ống cổ tay có triệu chứng gì, nguyên nhân do đâu, điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.
HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY – NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Hội chứng ống cổ tay (hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay) là tình trạng thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép gây tê, đau các đầu ngón tay, khiến vận động của bàn tay khó khăn.
Có nhiều lý do khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép như:
- Mấu xương ở khớp cổ tay hoặc dị dạng do gãy cổ tay.
- Tê thấp làm sưng khớp.
- Trong thai kỳ, cơ thể phụ nữ giữ nhiều nước khiến họ lên cân.
- Tiểu đường, có thể gây thoái hóa dạng bột.
- Suy nhược tuyến giáp gây sưng phù.
- Các cử động liên tiếp của cổ tay.
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay rất khó xác định nguyên nhân. Hội chứng này có thể kết hợp với bất kỳ lý do nào gây chèn ép lên dây thần kinh giữa ở ống cổ tay. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng này.
Chấn thương và các bệnh lý về xương khớp: Gãy cổ tay hay trật khớp có thể làm xương nhỏ ở cổ tay bị biến dạng. Điều này khiến không gian trong ống cổ tay bị thay đổi và gây áp lực cho dây thần kinh giữa. Trường hợp mắc các bệnh về xương khớp, tiêu biểu như viêm khớp dạng thấp cũng khiến cho dây thần kinh giữa bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, những người có ống cổ tay nhỏ dễ mắc hội chứng ống cổ tay.
Yếu tố môi trường, nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng, nhân viên đánh máy, biên tập viên, vận động viên bóng bàn, nghệ sĩ chơi đàn… với tính chất công việc cần đôi tay cử động nhiều.
Độ tuổi, giới tính: Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở độ tuổi trên 35 và phụ nữ dễ mắc nhiều hơn nam giới gấp 3 lần do họ sử dụng đôi bàn tay nhiều hơn. Đặc biệt là phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, có thai hoặc đang dùng thuốc uống tránh thai.
HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY CÓ TRIỆU CHỨNG GÌ?
Hội chứng ống cổ tay có một số triệu chứng đặc trưng sau:
Đau và tê
Các triệu chứng của ống cổ tay thường bắt đầu dần dần, và một trong dấu hiệu đầu tiên thường là tê.
Hội chứng ống cổ tay khiến người bệnh có cảm giác đau, tê ở các ngón tay, một phần bàn tay hoặc cơn đau cũng có thể lan lên cẳng tay.
Cảm giác vùng cổ tay bị châm chích
Người bệnh sẽ cảm thấy vùng cổ tay, bàn tay có cảm giác buồn buồn, châm chích giống nhưng có gì đó đang bò rất ngứa và khó chịu. Thông thường, ngón trỏ và ngón giữa sẽ là vị trí bị ảnh hưởng đầu tiên và đó là biểu hiện đặc trưng nhất để nhận biết bệnh.
Đau nhiều hơn vào ban đêm
Các triệu chứng trên thường bắt đầu vào buổi đêm vì hầu hết mọi người khi ngủ đều gập cổ tay, làm tăng áp lực chèn ép lên dây thần kinh giữa.
Ngoài ra, cơn đau và biến chứng vào ban đêm có thể làm cho bàn tay có cảm giác cứng đơ vào buổi sáng.
Yếu cơ
Người bệnh sẽ thấy triệu chứng yếu cơ, tức là một vài cơ tại vùng ngón tay yếu đi, khiến việc cầm nắm bị ảnh hưởng nhiều.
Ngay cả khi cơ bắt đầu thư giãn, người bệnh vẫn có thể gặp khó khăn khi sử dụng chúng cho những hoạt động đơn giản như pha cà phê hoặc cài khuy áo.
Hội chứng ống cổ tay không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được can thiệp sớm sẽ ngày càng phát triển nặng hơn và gây hậu quả khôn lường. Do đó, khi phát hiện các biểu hiện bất thường cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nên đi khám sức khỏe thường xuyên để được kiểm tra và phát hiện bệnh sớm.
CHUẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY BẰNG CÁCH NÀO?
Để chuẩn đoán bệnh, bác sĩ thường gõ vào dây thần kinh giữa ở cườm tay hoặc giữ bàn tay ở thế gập trong 1 phút để chờ xem các triệu chứng xuất hiện không. Đôi khi chẩn đoán hội chứng ống cổ tay cần sự hỗ trợ bằng cách đo vận tốc luồng thần kinh, đo điện cơ đồ, khảo sát thần kinh giữa bằng siêu âm.
Một trong những xét nghiệm hay được thực hiện là đo điện cơ, cho phép chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng nhẹ. Bệnh nếu để lâu có thể bị nặng hơn làm teo các cơ ở vùng mô cái bàn tay. Khi đó khả năng hồi phục là rất kém.
Hội chứng ống cổ tay rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ở giai đoạn đầu, hội chứng thường dễ nhầm sang những bệnh về cơ xương khớp hoặc các bệnh về thần kinh khác. Vì vậy, khi thấy xuất hiện những triệu chứng, người bệnh cần tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Hiện nay để điều trị hội chứng ống cổ tay có nhiều phương pháp như: uống thuốc Tây, vật lý trị liệu, Đông y hoặc phẫu thuật. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, vì vậy, tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng thuốc tây
Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể sử dụng thuốc tây như các loại thuốc kháng viêm không steroid, corticosteroid, tiêm tại chỗ để cải thiện hội chứng ống cổ tay. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp làm giảm nhanh các triệu chứng chứ không giúp chữa khỏi bệnh, vì vậy khả năng tái phát cao. Hơn nữa, nếu lạm dụng có thể gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng tới gan, thận, hệ tiêu hóa… của người bệnh.
Phương pháp vật lý trị liệu
Để điều trị hội chứng ống cổ tay, có các phương pháp vật lý trị liệu sau:
Nhiệt trị liệu: Chiếu đèn hồng quang, chiếu sóng viba,… được sử dụng nhằm làm giảm sưng viêm, đau nhức.
Máy vật lý trị liệu: Có tác dụng giảm đau, kích thích thần kinh và các gân cơ, hạn chế tình trạng teo cơ, khôi phục vận động.
Tập vật lý trị liệu: Hỗ trợ bệnh nhân cử động chân tay, hồi phục khả năng lao động, phù hợp với những bệnh nhân bị mất vận động, rối loạn cảm giác.
Để phương pháp này thực sự hiệu quả, người bệnh nên đến các trung tâm vật lý trị liệu uy tín để tiếp nhận điều trị chuyên nghiệp.
Phương pháp phẫu thuật
Thông thường, phẫu thuật được chỉ định sau khi các biện pháp can thiệp nội khoa không đạt được hiệu quả như ý và các triệu chứng ngày càng nặng. Mục tiêu của phẫu thuật ống cổ tay là để giảm áp lực bằng cách cắt dây chằng chèn trên dây thần kinh giữa.
Sau phẫu thuật người bệnh có thế kết hợp bài tập cử động tay phù hợp, hoặc tới cơ sở vật lý trị liệu uy tín để giúp vết thương mau lành sẹo, kích thích thần kinh phục hồi nhanh, giảm teo cơ.
Theo thống kê tại các bệnh viện, có hơn 90% trường hợp phẫu thuật thành công và không tái phát. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao, có thể gây thương tích và các biến chứng phẫu thuật như nhiễm trùng, sẹo… Vì vậy sau phẫu thuật, bệnh nhân cần thêm thời gian chăm sóc và theo dõi vết mổ.
PHÒNG TRÁNH NGUY CƠ MẮC HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp:
– Để cơ bắp có nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Thường xuyên xoa bóp để tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ và tay.
– Giữ ấm cho bàn tay nếu làm việc trong môi trường lạnh, để tránh gây cứng khớp và đau tay.
– Ăn thức ăn giàu vitamin, đặc biệt là B6 giúp bồi bổ thần kinh, bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá, các loại hạt, đậu. Hạn chế ăn đồ quá mặn, quá ngọt, thực phẩm có tính axit…
– Ngồi và làm việc đúng tư thế như sau: ngồi thẳng với cột sống tựa vào lưng ghế, hai vai thả lỏng, hai cánh tay sát thân mình, cổ tay thẳng và hai bàn chân đặt trên sàn nhà. Thỉnh thoảng thay đổi tư thế hoặc đứng lên đi lại.
– Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay.
Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã có thêm thông tin và hiểu biết về hội chứng ống cổ tay để quá trình phòng và chữa trị hiệu quả hơn. Ngay từ bây giờ, bạn hãy xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý, lối sống khoa học để giảm nguy cơ mắc hội chứng này nhé!