Nhiều người khi tỉnh giấc bỗng thấy đau nhức khắp mình (thường gặp nhất là hai bả vai) và cứng cổ, đôi khi còn tê từ vai xuống tận bàn tay hoặc đau bên hông sườn. Đó là hậu quả của sự chèn ép các mạch máu, có thể dẫn đến liệt nửa người do đột quỵ, thậm chí tử vong vì nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Huỳnh Bá Lĩnh, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM cho biết, nguyên nhân đau nhức khi ngủ dậy là nằm ngủ sai tư thế, khiến cơ bắp và các mạch máu bị chèn ép, hay gân cơ căng quá lâu. Lúc này, sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ kém hẳn đi, khiến một lượng lớn axit lactic (thủ phạm gây đau mỏi cơ) được giải phóng. Vị trí đau thường gặp nhất là hai bả vai, cánh tay và cổ, tiếp đến là lưng, hông, sườn – những nơi có khối cơ dày.
Có người đặt câu hỏi: “Tại sao trước đây tôi cũng ngủ như vậy mà không sao, lần này lại bị đau nhức?”. Bác sĩ Lĩnh giải thích rằng cơ thể có lúc này lúc khác. Khi cơ thể bị yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn sẽ giảm, khiến việc lưu thông máu và trao đổi oxy giảm sút. Lúc đó, sự chèn ép do tư thế ngủ sẽ như giọt nước làm tràn ly, khiến cơ bắp lâm vào tình trạng thiếu máu quá ngưỡng, không thể tự khắc phục như trước đây.
Các yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cơ gồm:
– Thói quen ngồi trước quạt, máy lạnh.
– Đi nắng không đội nón hoặc bị nắng chiếu vào gáy; đi mưa.
– Gội đầu và tắm vào ban đêm.
– Làm những công việc ít vận động (ngồi bàn giấy) hoặc phải ngâm tay chân nhiều trong nước (như giặt quần áo, rửa bát).
– Cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên hoặc có một số bệnh lý nội khoa như thấp khớp, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch.
– Mang thai hoặc mới sinh nở.
– Hút thuốc lá.
Theo bác sĩ Lĩnh, chứng đau nhức khi ngủ dậy hay được bệnh nhân tự điều trị theo các cách sai lầm, chẳng hạn như xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc rượu, kem có chứa mantol, eugenol. Các loại thuốc này có chung đặc điểm là tạo cảm giác nóng trên da. Nó giúp giảm đau tức thời nhưng sau một thời gian ngắn sẽ đau trở lại.
Sai lầm thứ hai là cạo gió, thường được nhiều người ở nông thôn áp dụng với ý nghĩ bị trúng gió, cảm mạo nên mới nhức mình. Việc làm này gây xuất huyết trong cơ bắp, có thể gây tụ máu chèn ép thêm hay tạo ra phản xạ co thắt cơ, làm đau nhức nặng hơn.
Một số người thấy cứng cổ, cứng lưng lại cố gắng làm các động tác xoay vặn cổ, vặn tay, bẻ lưng. Kết quả đau và cứng nhiều hơn, có người bị cứng cổ luôn.
Các biện pháp phòng ngừa và giảm đau
Xông hơi để làm giãn mạch và giãn cơ; đồng thời kích thích hô hấp để tăng nồng độ oxy trong máu.
Thở oxy nồng độ cao có thể giúp giảm đau nhức.
Việc xoa bóp đúng cách sẽ giúp giãn cơ và tăng cường máu đến cơ bắp, có thể giảm đau, nhưng cần lặp lại nhiều lần trong vài ngày. Nếu chỉ làm một hai lần thì cơn đau sẽ xuất hiện trở lại hoặc không hết hoàn toàn.
Việc dùng thuốc giãn cơ đem lại hiệu quả trong một số trường hợp co thắt nhưng có thể gây tác dụng phụ. Tiêm tê tại chỗ giúp cắt cơn đau tốt, nhưng không nên lạm dụng vì có thể gây phù nề tại chỗ tiêm.
Nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong vài ngày; bổ sung một số khoáng chất như canxi, kali và các vitamin C, B.
Bác sĩ Lĩnh nhấn mạnh, nguyên tắc phòng ngừa đầu tiên và quan trọng nhất là tránh hết tất cả các yếu tố thuận lợi ảnh hưởng đến việc gây chèn ép hay co thắt mạch máu trong cơ bắp. Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc xoa bóp, chườm nóng trước khi ngủ. Tập thói quen nằm ngủ ở tư thế thoải mái không gây chèn ép bắp thịt.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)