Đĩa đệm là một cấu trúc quan trọng ở lưng, đóng vai trò là một chất hấp thụ lực tác động lên cột sống, hỗ trợ cột sống luôn dẻo dai và hỗ trợ nâng đỡ phần trên của cơ thể. Khi một người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, một số chất bên trong đĩa đệm sẽ bị thoát ra ngoài và gây kích thích, chèn ép các dây thần kinh, từ đó gây đau lưng và có thể đau lan xuống chân.
Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gặp
Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, một số dây thần kinh ở vùng xung quanh đĩa đệm thoát vị sẽ bị chèn ép, kích thích cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh đó. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân thường gặp của hội chứng mang tên “đau thần kinh tọa”.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ gây ra các triệu chứng:
- Đau lưng – chân: Thường người bệnh sẽ đau chân nhiều hơn đau vùng thắt lưng. Nếu cơn đau lan theo dọc đường dây thần kinh ngồi, người ta thường gọi là “đau thần kinh tọa”.
- Các triệu chứng do bệnh rễ thần kinh: Những triệu chứng này xảy ra khi rễ thần kinh bị kích thích bởi đĩa đệm thoát vị, bao gồm đau lan tỏa, cảm giác tê bì, châm chích hay yếu cơ ở một số vùng dây thần kinh bị chèn ép chi phối.
Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là do lớp vỏ bao ngoài của đĩa đệm bị rách. Lớp vỏ bao có thể bị rách do lực vật lý, hoặc có thể do tình trạng thoái hóa đĩa đệm khi lớn tuổi.
Khi lớp vỏ bao bị rách quá nhiều sẽ khiến chất dịch bên trong đĩa đệm tràn ra ngoài và kích thích các dây thần kinh. Nếu lớp vỏ bao rách ít, có thể gây “lồi” đĩa đệm – tình trạng này thường gặp hơn thoát vị đĩa đệm, dù vậy ít gây nên các triệu chứng như thoát vị đĩa đệm.
Các biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Một số biến chứng sẽ xuất hiện nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nặng – khi đó, bạn cần phải gặp bác sĩ ngay lập tức.
Các biến chứng bao gồm:
- Các triệu chứng ban đầu nặng dần lên: Tình trạng đau, tê, yếu nặng đến nỗi bạn không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Rối loạn tiêu tiểu: Một số người sẽ cảm thấy khó đi tiêu tiểu, thậm chí khi bàng quang căng đầy.
- Tình trạng tê hình yên ngựa: Đúng như tên gọi, bệnh nhân sẽ bị mất cảm giác ở những vùng như đùi trong, đùi sau và xung quanh vùng hậu môn (những vùng sẽ tiếp xúc với yên khi ngồi trên lưng ngựa).
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
- Tập thể dục
Tập thể dục có tác dụng tăng “lực” cho các cơ ở thân như cơ lưng, cơ bụng giúp ổn định vùng cột sống, từ đó hỗ trợ cột sống, giảm áp lực cho đĩa đệm, giảm các tổn thương vật lý cho vỏ bao đĩa đệm.
- Duy trì các tư thế đúng
Tư thế đúng sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Hãy giữ lưng thẳng và ngay ngắn trong mọi tư thế, nhất là khi ngồi lâu. Đặc biệt khi khuân vác vật nặng, hãy dùng chân, đừng dùng lưng nâng vật lên.
- Duy trì cân nặng hợp lý
Số cân càng nặng thì lực cột sống phải chịu càng nhiều dẫn đến việc đĩa đệm sẽ bị nhạy cảm hơn với tình trạng thoát vị.