Hội chứng ống cổ tay là một trong những chấn thương thầm lặng liên quan đến công việc nhiều nhất, khiến hơn 2 triệu người phải tìm đến bác sĩ hàng năm ở Mỹ. Ở nước ta, số người mắc bệnh này cũng khá cao và đang có xu hướng gia tăng.
Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là đau, tê nhức như kim châm ở các ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và phần nửa ngoài ngón nhẫn. Đau có thể lan lên lòng bàn tay, cổ tay và cẳng tay, nhất là về đêm. Bệnh nhẹ cảm thấy tê buốt như bị kim châm ở bàn tay, nặng hơn thì thấy đau nhiều, có khi bỏng rát và nhức nhối cả cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng. Bệnh lâu ngày có thể gây teo cơ ô mô cái khiến khả năng cầm nắm yếu đi.
Để dự phòng tích cực và hỗ trợ trị liệu chứng bệnh này người bệnh nên thực hành một số thao tác tự xoa bóp sau đây: xát hai lòng bàn tay vào nhau, dùng lòng bàn tay bên này xát mu bàn tay bên kia sao cho nóng lên là được. Tiếp đó dùng các ngón tay bên này vê từng ngón tay bên kia và ngược lại.
Dùng ngón tay cái day các huyệt bát tà, mỗi huyệt chừng nửa phút. Vị trí huyệt bát tà: nằm ở kẽ ngón tay, trên đường tiếp giáp da gan tay và mu tay, ngang với khe khớp xương bàn tay và ngón tay.
Dùng ngón tay cái day ấn huyệt hợp cốc trong 1 phút với một lực vừa phải. Vị trí huyệt hợp cốc: ở chỗ lõm giữa xương bàn tay thứ nhất và thứ hai (ngón cái và ngón trỏ), dùng ngón tay cái ấn men theo bờ xương bàn tay thứ hai tìm điểm khi ấn có cảm giác đau tức lan sang ngón tay út thì đó là vị trí của huyệt.
Dùng ngón tay cái day ấn các huyệt dương trì (tại khớp cổ tay phía mu, thẳng từ ngón nhẫn lên, gần mắt cá tay), ngoại quan (từ dương trì đo lên 2 thốn) và nội quan (từ điểm giữa nếp gấp cổ tay đo lên 2 thốn, ở giữa hai gân cơ gan tay lớn và gan tay bé), mỗi huyệt nửa phút với một lực vừa phải.
Dùng ngón tay cái day ấn huyệt khúc trì (ở đầu lằn chỉ của nếp gấp khuỷu tay khi co khuỷu tay vào) và huyệt (ở dưới huyệt khúc trì 2 thốn), mỗi huyệt nửa phút với một lực vừa phải.
Dùng tay nọ bóp tay kia từ vai trở xuống đến bàn tay trong 1 phút với một lực tương đối mạnh. Tiếp đó dùng tay trái nắm cẳng tay phải, nắm hờ bàn tay phải rồi vận động gấp, duỗi và xoay khớp cổ tay từ trái sang phải và ngược lại trong nửa phút, đổi bên làm tiếp như vậy với khớp cổ tay trái. Dùng bàn tay trái nắm từng ngón tay của bàn tay phải rồi kéo với một lực khá mạnh sao cho phát ra tiếng kêu là được, đổi bên làm tiếp như vậy với các ngón tay của bàn tay trái.
Vận động gấp, duỗi và xoay khớp khuỷu, khớp vai trong 1 phút. Cuối cùng là thực hiện động tác vẩy tay: đứng thẳng, hai chân giang rộng bằng vai, thả lỏng toàn thân, đồng thời đưa hai tay về phía trước sao cho ngón tay cái ngang bằng rốn (tạo với cơ thể một góc 45 độ), tiếp đó đưa tay xuống và ra sau sao cho ngón út không vượt quá mông, cứ làm đi làm lại như vậy trong 2 phút.
Để phòng bệnh, cần cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, thường xuyên xoa bóp để tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ và tay. Thường xuyên tập thể dục, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay. Khi làm việc, cần chọn tư thế hợp lý, ghế ngồi phải vừa tầm, mông cao hơn gối, lưng thẳng hay hơi ngả ra sau, tựa thắt lưng vào lưng ghế có ụ nhô ngang thắt lưng, hai chân chấm đất trong tư thế vững vàng nhưng thoải mái. Màn hình máy tính nên đặt ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Khi làm việc, những ngón tay có thể cong nhẹ hoặc duỗi ra mà không cần phải vặn cổ tay. Bàn phím tốt nhất nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay. Thực hiện chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.
Theo suckhoedoisong.vn