Kỳ lạ cách chữa của người Nhật
Mấy ngày mưa gió, chị Lê Kim Hương (ở Phan Kế Bính, Hà Nội) bị đau cổ vai gáy khiến rất khó chịu. Vì đau chưa đến mức nóng sốt và vì quá bận nên chị chưa kịp đi khám, chỉ xoa bóp, dán cao ở nhà và 4 ngày qua vẫn không khỏi. Có người bạn gửi cho chị đường link của bác sĩ Nhật hướng dẫn cách chữa bệnh đau vai gáy bằng khăn tắm, chị thấy lạ bèn làm theo.
Theo đó, chị cuộn chiếc khăn tắm kê vào bả vai và nằm đè lên, duỗi thẳng người trên giường (nếu không có khăn tắm thì dùng đồ vải mềm, cuộn tròn lại và đặt xuống phía dưới bả vai). Vì chị đau vai phải, nên kê khăn dưới vai phải và bác sĩ hướng dẫn đặt tay trái đặt lên vai phải bị đau đó, sao cho cánh tay phải đưa vuông góc hướng bàn tay lên trên đầu, toàn thân thả lỏng và giữ nguyên tư thế này khoảng 10 giây.
Chị Hương làm theo hướng dẫn được một lúc chị thấy phần vai bị đau, bắp tay, lưng giật giật… Bàn tay chị với lên phần đau, thấy bả vai co cứng, chị tiện thể nắn bóp. Được một lúc chị thấy phần bị co cứng mềm hẳn ra, quay cổ dễ hơn và cổ vai gáy đã đỡ đau. Tối hôm sau trước khi đi ngủ chị làm tiếp lần nữa với cả hai vai, nhưng do mệt quá chị ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau dậy thấy vùng cổ vai gáy thoải mái.
Cách làm như trên giúp làm giãn cơ vùng cổ, giảm đau mỏi vai gáy và nếu bị đau nhiều cần kiên trì làm như trên nhiều lần trong ngày.
Các phương pháp điều trị đau vai gáy của Việt Nam
1. Xoa bóp bấm huyệt
Để bệnh nhân ngồi trên ghế, thả lỏng cơ thể, tay buông thõng xuống. Xoa bóp, xoa day vùng cổ, lưng phía dưới cổ, hai bả vai, hai bên vai của bệnh nhân từ nhẹ đến mạnh cho tới khi da bệnh nhân nóng và đỏ lên.
Dùng ngón cái tay ấn lực vừa phải vào đốt xương sống cổ từ trên xuống từ 3 – 5 phút. Bóp cơ vùng cổ từ trên xuống dưới, lan sang hai bên vai. Với những chỗ bị đau, vừa xoa bóp vừa ấn nhẹ từ 3 – 5 phút. Rồi lăn vùng vai gáy nhẹ nhàng từ 2-3 phút.
Bấm huyệt:
Các huyệt đạo chữa đau vai gáy gồm:
Huyệt Phong trì: Nằm từ giữa xương chẩm cổ 1, đo ngang ra 2 thốn (độ rộng đốt 1 ngón cái là 1 thốn, kẹp 2 ngón trỏ và giữa là 2 thốn, cả bốn ngón tay – trừ ngón cái – là 3 thốn), ở chỗ trũng phía ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm.
Huyệt Đại trữ: Giữa khe D1-D2 rồi đo ngang ra 1,5 thốn.
Huyệt Phong môn: Từ giữa khe đốt sống D2-D3 đo ngang ra 1,5 thốn.
Huyệt Đốc du: Từ đốt sống D6-D7 đo ngang ra 1,5 thốn.
Huyệt Đại chùy: Chỗ lõm ngay dưới đầu mỏm gai của đốt sống cổ 7.
Huyệt Kiên tỉnh: Nằm ở trên vai, giữa đường nối Đại chùy tới mỏm vai.
Huyệt Bá lao: Nằm từ Đại chùy đo ngang ra 1 thốn, rồi lại đo thẳng hướng lên 2 thốn.
Dùng đầu ngón tay cái ấn và day các huyệt Phong trì, Đại chùy, Phong môn, Kiên tỉnh, Đốc du và giữ 15-20 giây. 1 tay bấm, 1 tay kê cổ bệnh nhân và vận động quay trái – phải – ngửa – cúi.
Bấm huyệt Bá lao nhưng không vận động cổ:
Ấn nhẹ huyệt Đốc du, nếu thấy co cứng thì bấm, bật cơ và day lực vừa phải để giảm đau, giúp vận động cổ vai gáy dễ hơn.
Mỗi động tác thực hiện từ 3 – 5 lần.
Lưu ý: Khi bấm huyệt có thể sử dụng kèm dầu gió để cho kết quả cao hơn. Với người bệnh trên 45 tuổi cần thao tác lực nhẹ nhàng.
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau vai gáy cần có chuyên môn, tốt nhất là làm ở các cơ sở y học cổ truyền để an toàn, hiệu quả. Không nên lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt vì có thể gây co giật.
2. Những cách khác
Theo lương y quốc gia Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội), dân gian có nhiều cách chữa đau mỏi vai gáy (nhưng chỉ giảm đau tạm thời, không trị được nguyên nhân gây bệnh):
1. Hạt gấc ngâm rượu: 1 lít rượu trắng 45 độ, 50 hạt gấc rửa sạch, để ráo nước. Nướng hạt gấc cháy sém, đập bỏ vỏ hạt, giã nát, cho vào bình thủy tinh rồi đổ rượu xâm xấp ngâm 1 tuần (ngâm càng lâu càng tốt). Khi bị đau cổ vai gáy dùng rượu gấc xoa bóp kỹ chỗ đau vùng vai gáy 10–15 phút/ngày sẽ nhanh khỏi.
2. Lá ngải cứu sao vàng với muối, cho vào túi chườm nóng lên vùng đau 15 phút/ngày sẽ giảm đau nhức, khó chịu.
3. Hành khô, phèn chua, quả cam: Cắt đầu quả cam, cho ít phèn chua, một củ hành khô vào ruột quả nướng lên, rồi cắt và đắp vào vùng vai gáy bị đau 5 – 10 phút. Làm liên tục sẽ giảm nhanh triệu chứng đau nhức vai gáy (kiểm tra độ nóng của qủa cam trước khi chườm để không gây bỏng da).
4. Dùng gừng muối xoa bóp: Gừng rửa sạch, giã nhỏ, hòa nước muối ấm già tay, để 10 phút thì xoa hỗn hợp đó lên vùng bị đau sẽ giảm cơn đau nhanh.
Chườm nóng, chườm lạnh
Trong thể thao hay dùng cách chườm khăn nóng vùng đau để khí huyết lưu thông, thư giãn, giảm các cơn đau.
Với cơn đau vai gáy thông thường có thể dán cao hỗ trợ giảm đau nhanh, lưu thông máu tốt hơn.
Chườm lạnh: Dùng túi đựng nước đá, đổ thêm chút nước vào và đóng chặt miệng túi, chườm lên chỗ đau (nhớ quấn một lớp khăn hay vải mỏng vào túi chườm để tránh bị sốc nhiệt).
Chườm lạnh với rượu: Lấy 750ml rượu pha với 235ml isopropyl nồng độ 70%. Cho vào túi cấp đông, đặt vào tủ đá 20 phút thì lấy ra (lúc này nước chưa đông), đắp lên vùng đau). Hỗn hợp hết lạnh bỏ lại vào tủ đá đợi lạnh để đắp lại.
Dù điều trị đau cổ, đau vai gáy bằng phương pháp nào cũng cần kết hợp bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, sửa các thói quen sinh hoạt xấu ảnh hưởng đến vùng cổ vai gáy, tránh đau nhức.
Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, thể thao đều đặn để cơ vai gáy hoạt động linh hoạt, giảm các triệu chứng đau nhức…
Nếu bệnh không thuyên giảm, còn đau lan sang vùng khác (đầu, cánh tay…) cần đến bệnh viện sớm để xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
Nguồn: Sưu tầm.