Nữ giới sau tuổi 45 có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương ở sụn khớp. Khi chịu tác động của các tác nhân, lớp sụn này dễ bị bào mòn, bong tróc trở nên xù xì, khiến hai đầu xương lộ ra cọ xát với nhau gây nên các hiện tượng đau nhức, viêm nhiễm cho người bệnh.
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật. Diễn biến của bệnh thoái hóa khớp gối tỉ lệ thuận với tuổi tác, nghĩa là tuổi tác càng cao thì nguy cơ thoái hóa càng gia tăng. Tuy nhiên ngày nay, bệnh lý đang có dấu hiệu trẻ hóa, nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ nhiều yếu tố như: đặc thù công việc thường xuyên tạo áp lực lên khớp, chế độ ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng, thừa cân, di truyền,…
Đặc biệt, nữ giới sau tuổi 45 có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,5 – 2 lần so với nam giới. Các vị trí khớp thường bị thoái hóa gồm: khớp háng, khớp gối và khớp cột sống.
Nguyên nhân được các chuyên gia y tế đưa ra là vì sau độ tuổi 30, lượng xương của nữ giới giảm từ 0,25 – 1% mỗi năm. Thêm vào đó, đặc thù cơ thể trải qua quá trình mang thai, sinh con, giai đoạn tiền mãn kinh càng khiến cho lượng estrogen, testosterone trong cơ thể nữ giới thay đổi. Theo một vài nghiên cứu, hai loại hormone này có thể là nguyên nhân làm khởi phát bệnh xương khớp.
Nữ giới có hệ thống dây chằng quanh khớp gối yếu hơn nam giới nên rất dễ bị tổn thương khi vận động. Bên cạnh đó, cấu tạo xương chậu của phụ nữ thường rộng hơn đàn ông để đảm nhận chức năng mang thai, sinh con. Theo nhiều nhà nghiên cứu, mỗi lần sinh nở, phụ nữ lại càng có nguy cơ đối mặt với thoái hóa khớp, nhất là thoái hóa khớp gối và khớp háng.
Thoái hóa khớp không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến cho hoạt động hằng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh nhân có nguy cơ tàn phế rất cao.