Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm

Điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc

Hầu hết các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm đều không cần phải phẫu thuật tái tạo. Việc luyện tập và sử dụng thuốc theo một liệu trình nhất định sẽ làm giảm các triệu chứng bệnh chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu tình trạng đau vẫn tiếp tục kéo dài không giảm, bệnh nhân sẽ được chỉ định tập vật lý trị liệu để hạn chế tới mức tối đa ảnh hưởng của bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể. Một số phương pháp trị liệu không dùng thuốc hoặc kết hợp dùng thuốc giúp giảm đau thường xuyên ở lưng dưới:

  • Chiropractic (phương pháp kéo nắn xương khớp): phương pháp này mang lại hiệu quả ở mức độ vừa phải với cơn đau lưng dưới, kéo dài ít nhất 1 tháng. Lưu ý, trị liệu bằng phương pháp chiropractic với bệnh nhân bị thoát bị đĩa đệm cổ, trong một số hiếm trường hợp có thể gây ra đột quỵ.
  • Châm cứu: Làm giảm đau lưng và đau cổ kinh niên tương đối tốt.
  • Massage: Giảm đau ngắn hạn cho người bị đau lưng dưới kinh niên.
  • Yoga: Kết hợp vận động thể chất, tập thở và thiền, giúp cải thiện chức năng và làm giảm đau lưng kinh niên.

Có thể dùng các phương pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh. Ở một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi ra trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng cho tác dụng tương tự, chỉ định cho bệnh nhân lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống cho tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác mạnh lên vùng cột sống tổn thương, qua đó làm giảm lực tác động lên đĩa đệm.

 Điều trị nội khoa bằng thuốc

  • Thuốc giảm đau – kháng viêm: paracetamol, diclofenac, meloxicam…
  • Thuốc chống động kinh.
  • Thuốc giãn cơ: mydocalm, myonal… chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống.

 Tiêm giảm đau ngoài màng cứng corticosteroids

Corticosteroids là thuốc kháng viêm mạnh có thể được tiêm trực tiếp vào vùng xung quanh dây thần kinh cột sống, làm giảm triệu chứng viêm tại chỗ và các triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm. Đây là phương pháp dùng để điều trị cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm từ trung bình đến nặng. Liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 – 7 ngày.

 Điều trị ngoại khoa

Trong một số ít trường hợp, khi tình trạng thoát vị chèn ép toàn bộ rễ thần kinh vùng đuôi ngựa (vị trí ngay bên dưới thắt lưng) gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục), lúc này bệnh nhân cần phải được phẫu thuật ngay để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng gây yếu tay/chân hoặc liệt. Thêm vào đó, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật khi phương pháp điều trị bảo tồn không cải thiện triệu chứng sau 6 tuần, đặc biệt nếu bệnh nhân tiếp tục gặp phải các vấn đề:

  • Tê hoặc yếu.
  • Khó đứng thẳng hoặc đi bộ.
  • Mất kiểm soát bàng quang và/hoặc ruột.

Trong nhiều trường hợp mổ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ phần nhô ra của đĩa đệm, thậm chí một số trường hợp phải loại bỏ toàn bộ đĩa đệm. Trong những trường hợp này, các đốt sống có thể cần phải được kết hợp với phần cứng kim loại để cung cấp sự ổn định cho cột sống.

Theo Vinmec

Để lại một bình luận