Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm lưng biểu hiện ở cơn đau ngang thắt lưng và đau liên sườn, cơn đau có thể chạy dọc vùng mông lan xuống chân, gây tê bì chân hoặc đau kéo căng cơ chân khi cúi, ngửa… Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống lưng khiến người bệnh phải nằm ở một tư thế để giảm cảm giác đau nhức do bệnh lệch đĩa đệm gây nên.

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của con người. Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, thoát vị đĩa đệm bệnh thường gặp nhất trong số các bệnh về cột sống, trong đó, tỉ lệ thoát vị đĩa đệm ở người trưởng thành là 30%. Tại Việt Nam, độ tuổi mắc thoát vị đĩa đệm là ở độ tuổi 30 – 60 tuổi, đặc biệt bệnh này càng có xu hướng trẻ hóa độ tuổi và ngày càng gia tăng nhiều hơn.

Nguyên nhân chính gây bệnh là do nhân nhầy đĩa đệm ở khớp xương bị lệch ra khỏi vị trí hoặc bị mòn dần theo thời gian làm cho các khớp xương chèn ép vào dây thần kinh, gây cảm giác đau nhức kéo dài. Thoát vị đĩa đệm thường tồn tại ở 3 dạng chính là thoát vị đĩa đệm cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, và thoát vị đĩa đệm mất nước.

Những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bao gồm: Yếu cơ, tê, ngứa ran ở một hoặc cả 2 bên chân; Có lúc cơn đau âm ỉ có lúc lại dữ dội, ho hay hắt hơi cũng có thể khiến tình trạng đau nhức thêm nghiêm trọng hơn; Đau nhức vùng thắt lưng, lan xuống mông, chân, cảm giác tê, nhức xương khớp; Ngồi hay đứng quá lâu cũng khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng; Chân tay cảm giác yếu hơn bình thường, cầm nắm vật trở nên yếu, khó khăn hơn; Tình trạng sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, khả năng vận động đi lại trở nên khó khăn…

Nếu không phát hiện và điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động đi lại của người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm thường tồn tại ở 3 dạng chính là thoát vị đĩa đệm cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, và thoát vị đĩa đệm mất nước

2. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

2.1 Chẩn đoán lâm sàng

Giai đoạn đau cấp: Tình trạng đau lưng xuất hiện sau một chấn thương hoặc gắng sức. Mỗi khi có những gắng sức về sau, tình trạng đau lại tái phát. Vòng sợi lồi ra sau hoặc đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không tổn thương.

Giai đoạn chèn ép rễ: Các triệu chứng của hội chứng rễ xuất hiện như: Đau lan xuống chân, đau khi đi, đứng, hắt hơi, rặn. Vòng sợi ở giai đoạn này đã bị đứt, một phần hoặc toàn bộ nhân nhầy tụt ra phía sau, gây ra chèn ép rễ. Các thay đổi thứ phát của thoát vị bao gồm: Phù nề mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch…

Chẩn đoán lâm sàng có thể nghĩ đến thoát vị đĩa đệm nếu có 4 triệu chứng trở lên trong 6 triệu chứng dưới đây:

  • Có yếu tố chấn thương.
  • Đau cột sống thắt lưng lan theo rễ, dây thần kinh hông to.
  • Đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn.
  • Có tư thế giảm đau: nghiêng người về một bên làm cột sống bị vẹo.
  • Có dấu hiệu chuông bấm.
  • Dấu hiện Lasègue

2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

Chụp X quang quy ước

Thông qua một số hình ảnh của chụp Xquang quy ước như: Lệch vẹo cột sống, Mất ưỡn cột sống, Hẹp khoang gian đốt sống… có thể xác định vị trí thoát vị. Ngoài ra chụp Xquang quy ước còn giúp xác định thương tổn khác của cột sống như khuyết eo, mất vững cột sống, trượt đốt sống…

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ cho phép xác định được vị trí, hình thái thoát vị, số tần thoát vị. Đây được coi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chính xác nhất trong các phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Chụp cắt lớp vi tính kết hợp chụp bao rễ cản quang

Trường hợp người bệnh nghi ngờ thoát vị đĩa đệm nhưng không thể chụp cộng hưởng từ sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính kết hợp với chụp bao rễ cản quang. Kỹ thuật này cho phép xác định vị trí, mức độ thoát vị một cách chính xác với độ nhạy cao.

3. Phương pháp phòng chống thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng

Những phương pháp phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng được đưa ra như sau:

  • Những người hay làm việc lâu với một tư thế cần đổi tư thế sau một khoảng thời gian để đảm bảo cho đĩa đệm giảm áp lực. Khi cảm nhận thấy cơ thể đau nên nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc thư giãn, xoa vuốt các khớp cổ lưng tay chân.
  • Thường xuyên tập thể dục mỗi buổi sáng.
  • Trọng tải của cột sống – đĩa đệm có giới hạn nhất định, do đó không làm, khiêng vật nặng quá sức mình. Nếu bạn cố gắng quá sức có thể làm hỏng cấu trúc cơ thể và tăng khả năng cong vẹo cột sốngthoát vị đĩa đệm.
  • Không nên đột ngột hoạt động mạnh, mà cần phải san sẻ lực từ từ để tránh bị sai tư thế
  • Giữ tư thế đứng thẳng cho cột sống trong bất kì công việc gì kể cả mang vác, bưng bê hay giặt giũ, bế trẻ em, lái xe…
  • Điều chỉnh chế độ làm việc hợp lý để điều hòa sự lao động phục hồi của đĩa đệm.
  • Kết hợp làm việc và nghỉ ngơi xen kẽ để đĩa đệm được phục hồi kịp thời, tránh tình trạng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm sau này.

Bên cạnh việc rèn luyện cơ thể cho khỏe mạnh, ăn uống sinh hoạt hợp lý, để điều trị bệnh hiệu nhất, bệnh nhân cần thường xuyên đi khám sức khỏe để kịp thời phát hiện và xử lý cách dấu hiệu bệnh một cách kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng khi chưa có ý kiến tư vấn của bác sĩ.

Theo Vinmec

Để lại một bình luận