Đau thần kinh tọa: Triệu chứng, nguyên nhân, biện pháp chuẩn đoán

Đau thần kinh tọa là tình trạng dây thần kinh tọa chạy từ hông xuống chân của bạn bị kích thích. Tình trạng đau dây thần kinh tọa thường giảm dần và hết trong khoảng 4 – 6 tuần nhưng tình trạng đau cũng có thể kéo dài.

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa hay còn gọi là đau thần kinh hông là tình trạng đau xảy ra dọc theo dây thần kinh tọa, chạy từ thắt lưng của bạn lan sang hông và xuống mông, chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Hầu như, đau dây thần kinh tọa chỉ gây ảnh hưởng ở một bên của cơ thể.

Bệnh thường xảy ra do biến chứng của thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, hẹp đốt sống chèn ép lên một phần của dây thần kinh tọa. Điều này dẫn đến viêm, đau và thường gây tê ở chân.

Những cơn đau thần kinh tọa thường giảm dần và biến mất bằng cách chữa không cần phẫu thuật trong vòng 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, đau dây thần kinh tọa có thể kéo dài và nguy hiểm hơn. Người bệnh có thể phải phẫu thuật nếu đau liên quan đến yếu chân, mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang.

Bệnh đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau thần kinh tọa có thể không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng nhưng khiến suy yếu chi, thậm chí có thể gây bại liệt suốt đời. Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Những cơn đau dây thần kinh tọa thường bắt đầu từ cột sống thắt lưng (lưng dưới) lan tỏa tới hông và xuống mông, phía sau chân. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu ở tất cả mọi vị trí mà dây thần kinh tọa chạy qua, nhưng đau thường tập chung theo một đường từ thắt lưng xuống đến mông và mặt sau đùi và bắp chân của bạn.

Triệu chứng đau có thể khác nhau, đau có thể từ nhẹ đến đau nhức hoặc đau dữ dội đột ngột có cảm giác như điện giật. Đau có thể nghiêm trọng hơn khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, ngồi lâu cũng có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn. Hầu như người bệnh chỉ bị ảnh hưởng ở một bên cơ thể.

Một số trường hợp, người bệnh bị tê, ngứa ran hoặc yếu cơ ở chân. Có thể chỉ bị đau ở một phần của chân và tê ở phần khác.

Đau nhức từ mông xuống bắp chân là dấu hiệu đau thần kinh tọa điển hình

Theo các số liệu thống kê 80% số người bị đau nhức từ mông xuống bắp chân là do bệnh đau dây thần kinh tọa gây ra. Tình trạng này xảy ra do dây thần kinh bị chèn ép bởi tủy sống và dây chằng quanh khớp.

Đau nhức từ mông xuống bắp chân tạo ra áp lực lớn tới vùng xương sống gây ra đau âm ỉ khởi phát từ mông lan xuống bắp chân.

Thông thường đau thần kinh tọa nhẹ sẽ biến mất trong một khoảng thời gian. Người bệnh cần đi gặp bác sĩ ngay nếu những cách chữa tại nhà không làm giảm triệu chứng đau hoặc cơn đau kéo dài nghiêm trọng hoặc trở nên tồi tệ dần dần.

Người bệnh cần được điều trị y tế ngay lập tức nếu:

  • Đau dây thần kinh tọa xuất hiện đột ngột, yếu cơ ở chân, đau dữ dội ở thắt lưng hoặc chân.
  • Đau dữ dội xảy ra khi bị chấn thương hoặc tai nạn giao thông.
  • Bị mất kiểm soát chức năng của ruột hoặc bàng quang.

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa xảy ra là dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc cọ xát. Những nguyên nhân gây bệnh điển hình bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm: Khi đĩa đệm thoát vị hoặc nhân nhầy đĩa đệm chảy ra ngoài dẫn đến chèn ép lên dây thần kinh tọa gây đau – nguyên nhân phổ biến nhất.
  • Hẹp ống sống: Khi cột sống bị hẹp một phần có thể chèn ép lên các dây thần kinh đi qua.
  • Thoái hóa cột sống: một trong các đốt xương cột sống bị viêm hoặc lệch khỏi vị trí sẽ chèn ép lên dây thần kinh tọa.
  • Chấn thương cột sống thắt lưng

Những yếu tố nguy cơ

Đau thần kinh tọa có thể xảy ra do những yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Tuổi tác: Theo thời gian cột sống có thể bị thay đổi như thoát vị đĩa đệm hoặc gai xương ở cột sống, là nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa.
  • Béo phì: Khi trọng lượng cơ thể vượt quá mức bình thường sẽ tăng áp lực cho cột sống của bạn, điều này dẫn đến những thay đổi cột sống gây đau dây thần kinh tọa.
  • Nghề nghiệp: Những công việc nặng nhọc, mang vác vật nặng hoặc ngồi nhiều, xoay lưng có thể tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa.
  • Ngồi nhiều: Những người ít vận động hoặc ngồi trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh thần kinh tọa cao hơn so với người thường xuyên vận động.
  • Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu quá cao làm tăng khả năng tổn thương dây thần kinh gây đau.

Những biện pháp chẩn đoán đau thần kinh tọa

Kiểm tra thể chất

Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe và phản xạ cơ bắp của bạn như:

  • Yêu cầu bạn đi bằng gót chân hoặc ngón chân, nhấc hai chân lên cùng lúc.
  • Vươn người lên trong khi nằm ngửa và khi ngồi xổm.

Xét nghiệm hình ảnh

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm hình ảnh khi cơn đau dây thần kinh tọa nghiêm trọng hoặc không giảm trong vòng vài tuần.

Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang có thể có thể cho biết tình trạng gai xương đang chèn ép lên dây thần kinh tọa.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến mạnh và nam châm để tạo ra hình ảnh cắt ngang lưng. Dựa vào hình ảnh này bác sĩ sẽ chẩn đoán được tình trạng xương cột sống và các mô mềm có bị tổn thương không.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Bạn có thể được tiêm một chất vào ống sống trước khi chụp X-quang để khi quét thì xung quanh tủy sống và dây thần kinh cột sống có màu trắng.

Điện cơ (EMG): Phương pháp này đo những xung điện được tạo ra ở dây thần kinh và phản ứng của cơ bắp của bạn. Dựa vào đó, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân chèn ép dây thần kinh là do hẹp ống sống hay thoát vị đĩa đệm.

NGUỒN: CHICUCTHUYHCM.ORG.VN

Để lại một bình luận