Da xấu và mụn trứng cá – dấu hiệu cảnh báo cơ thể thừa axit

Thường xuyên rụng tóc, móng tay mỏng và dễ gãy, da xấu, nhiều mụn trứng cá… đều là những triệu chứng của sự dư thừa axit trong cơ thể.

Trong hóa học, pH là thước đo độ axit hoặc tính bazơ của chất lỏng. Nước có độ pH trung tính là 7. Chất lỏng có độ pH<7 được coi là có tính axit, trong đó 1 là mức độ axit cao nhất. Chất lỏng có độ pH>7 được coi là kiềm, mức độ kiềm cao nhất là 14.

Máu và mọi chất lỏng trong cơ thể con người đều có thể đo được bằng độ pH. Tất cả tế bào, cơ quan và chất dịch cơ thể đều cần một độ pH nhất định để hoạt động hiệu quả nhất. Các enzyme của cơ thể rất nhạy cảm với độ axit và chúng sẽ có hình dạng khác nhau tùy thuộc vào độ pH của môi trường xung quanh. Chúng sẽ hoạt động kém nếu môi trường có độ pH không thích hợp. Sự nhạy cảm này rõ rệt hơn cả trong máu, khi bất kỳ sự thay đổi độ pH nào cũng có thể làm thay đổi hình dạng của huyết sắc tố và ảnh hưởng đến khả năng huyết sắc tố liên kết với oxy.

 

Độ pH và sự dư thừa axit của cơ thể

Khi axit tích tụ, cơ thể tìm cách trung hòa chúng bằng các hệ thống đệm. Tuy nhiên, khi các hệ thống này bị quá tải, cơ thể buộc phải mượn các khoáng chất kiềm từ xương và các cơ quan quan trọng để hòa tan các hợp chất axit và loại bỏ chúng an toàn.

Theo thời gian, quá trình này có thể làm suy yếu các cơ quan và xương, từ đó gây ra rất nhiều chứng bệnh, trong đó có loãng xương.

Do đó, việc nồng độ axit trong cơ thể quá cao có thể tác động tiêu cực đến tất cả hệ thống, đặc biệt là hệ tiêu hóa, đường ruột, tuần hoàn, hô hấp và miễn dịch.

Nguyên nhân khiến cơ thể dư thừa axit

Nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng độ pH trong cơ thể là chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu trái cây và rau quả, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm đã qua chế biến (thường ít chất dinh dưỡng, quá nhiều chất béo bão hòa và thịt…).

Ngoài ra, tâm lý căng thẳng cũng làm tăng sản xuất axit trong cơ thể. Thận, gan, ruột, phổi và da là những cơ quan đóng vai trò thải độc ra khỏi cơ thể. Vì vậy, chức năng của các bộ phận này kém cũng làm gia tăng nồng độ axit trong cơ thể.

 

Dấu hiệu nhận biết cơ thể dư thừa axit

Dư thừa axit ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, bởi vậy nó ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cơ thể. Việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có tính axit có thể gây đau đầu, chuột rút ở chân, viêm kết mạc.

Tình trạng dư thừa axit trong cơ thể có thể gây đau răng, khiến răng và nướu trở nên nhạy cảm. Người bị dư thừa axit thường dễ rụng tóc, móng tay mỏng, dễ gãy. Nó cũng khiến quá trình tiêu hóa khó khăn hơn, từ đó gây trào ngược axit, loét và viêm dạ dày.

Nếu bạn có làn da không khỏe mạnh, thường xuyên mọc mụn trứng cá, rất có thể đó cũng là triệu chứng của việc cơ thể dư thừa axit. Bởi sự dư thừa axit trong da có thể dẫn đến hình thành gốc tự do, gây viêm và rối loạn chức năng da, từ đó gây ra mụn trứng cá, viêm da, chàm hay da ửng đỏ. Thực phẩm có tính axit cũng chứa ít năng lượng và thường ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, gây chán nản, lo lắng.

Làm thế nào để tránh dư thừa axit trong cơ thể?

Chế độ ăn uống là chìa khóa để kiềm hóa cơ thể, tránh tình trạng dư thừa axit. Rau xanh, một số loại trái cây như bơ, củ cải đường, cải bó xôi, cải xoăn, dưa chuột… có khả năng kiềm hóa tự nhiên.

Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có tính axit như gạo, thịt, trứng, đường tinh luyện, bột mỳ và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế uống rượu và đồ uống có chứa caffein như cà phê hay nước tăng lực. Thay vào đó, chọn đồ uống tự nhiên có tính kiềm như trà thảo dược hoặc các loại nước có tính kiềm cao.

Chế độ tập luyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm quá cơ thể. Việc tập thể dục khiến cơ thể đổ mồ hôi, mồ hôi có tính axit nên độ kiềm của cơ thể sẽ tăng lên.

Khoa học chứng minh sự căng thẳng gây hại nhiều tới sức khỏe hơn mọi người vẫn nghĩ. Tìm cách thoát khỏi tâm lý căng thẳng với những bài tập yoga, thiền, tập thở, bài vận động nhẹ nhàng cũng làm giảm đáng kể nồng độ axit trong cơ thể.

NGUỒN: ZING.VN

Để lại một bình luận