Lạnh chân, lạnh tay là chứng hay gặp ở người cao tuổi, nhất là vào những ngày đông, tháng giá, thường xuất hiện vào các buổi sáng và ban đêm, đôi khi cả ngày. Nguyên nhân chính là do tạng tâm và tạng thận gây ra.
Lạnh chân, lạnh tay là chứng hay gặp ở người cao tuổi, nhất là vào những ngày đông, tháng giá, thường xuất hiện vào các buổi sáng và ban đêm, đôi khi cả ngày. Nguyên nhân chính là do tạng tâm và tạng thận gây ra. Có rất nhiều phương pháp chữa chứng bệnh này, trong đó có phương pháp cứu ngải trị lạnh tay, chân rất hiệu quả.
Phương pháp cứu trực tiếp
Tự cứu vào một số huyệt vị
Nếu lạnh ở chân, cứu vào huyệt dũng tuyền (huyệt của túc thiếu âm thận kinh), có vị trí ở chỗ lõm dưới gan bàn chân, nằm ở giữa 2 mô đệm bàn chân, đoạn 1/3 kể từ đầu ngón chân thứ 2 (cạnh ngón cái) đến gót chân; huyệt túc tam lý (huyệt của túc dương minh vị kinh): huyệt nằm thẳng về phía dưới, cách hõm mé ngoài của đầu gối 1 khoát tay (1 khoát tay: khoảng cách của 4 ngón tay, kể từ ngón trỏ đến ngón út, lấy chính giữa ngấn đốt một của ngón trỏ làm chuẩn); huyệt bát phong (kỳ huyệt): là 8 huyệt, nằm ở đầu giữa kẽ của các ngón chân.
Nếu lạnh ở tay, cứu vào huyệt lao cung (thuộc kinh thủ quyết âm tâm bào): lõm giữa của lòng bàn tay, hoặc nắm nhẹ các ngón tay, giữa kẽ của ngón nhẫn và ngón giữa, chiếu thẳng xuống lòng bàn tay là huyệt (cứu cả hai bàn tay); huyệt thập tuyên (kỳ huyệt): chính giữa của 10 đầu ngón tay; huyệt hợp cốc: hõm giữa mô của ngón cái và ngón trỏ, phía mu bàn tay, khi căng hai ngón này, chỗ lõm xuống là huyệt.
Cách chế thuốc cứu: Lấy lá của cây ngải cứu khô, còn gọi là ngải diệp, sao qua (sao nhỏ lửa) cho khô giòn, cho vào cái rá sạch, chà xát cho tơi xốp như bông, hoặc cho vào cối sành, giã nhẹ cho tơi xốp; nhặt bỏ các cuống lá, rồi cuộn vào các mảnh giấy bản hay giấy báo thành các điếu ngải cứu. Mỗi điếu có kích thước dài khoảng 15cm, đường kính 1 – 1,5cm. Lượng bột ngải cứu cho mỗi điếu khoảng 5 – 7g, cần cuộn chặt để bột khỏi bị rơi ra. Hai đầu của mỗi điếu, cần gấp giấy lại cho kín.
Cách tiến hành cứu: Đốt cháy một đầu điếu ngải cứu, khi cháy đều, sẽ hơ nhẹ trên các huyệt vị nói trên. Khi hơ, nên để điếu ngải cứu cách xa huyệt vị khoảng 2 – 3cm, đồng thời dùng tay quay tròn điếu ngải theo chiều kim đồng hồ cho tới khi có cảm giác nóng ở nơi cứu thì chuyển sang huyệt khác. Cứ làm lần lượt các huyệt ở chân, hoặc tay, ngày 1 – 2 lần vào buổi sáng và tối. Khi cứu như trên cần lưu ý, tránh bỏng bởi các tàn lửa và khi xong, phải dập tắt hết mọi đốm lửa còn nằm sâu trong điếu ngải cứu.
Phương pháp ngâm nước gừng
Có thể dùng cách ngâm chân, tay với nước sắc của gừng. Lấy 50g gừng tươi hoặc 20g gừng khô, thái mỏng, đun sôi với 2 lít nước trong 20 phút. Đổ cả bã và nước sắc ra chậu. Khi nước còn đủ ấm (khoảng 40 độ) thì ngâm ngập 2 bàn chân, hoặc 2 bàn tay vào; vừa ngâm, vừa lấy các bã gừng xát đều lên da chân, hoặc tay. Sau đó lau khô thật nhanh chân, tay, rồi ủ ấm. Ngày làm 1 lần vào buổi tối.
Phương pháp xoa, ấn
Có thể dùng đầu ngón tay cái để day ấn vào các huyệt nói trên, hoặc xoa nóng hai bàn tay, rồi vuốt với lực vừa phải, cả mé trong mé ngoài cẳng chân, từ đầu gối xuống; hoặc từ mé trong, mé ngoài cẳng tay, từ khuỷu tay xuống. Riêng huyệt dũng tuyền thì lấy bàn tay của bên đối diện xát mạnh nhiều lần vào huyệt. Ngày 1 – 2 lần vào buổi sáng, tối. Sau khi xoa, ấn, có thể dùng chút cao sao vàng, hay bạch hổ cao… bôi xoa vào các huyệt vị nói trên.
Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống